Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi làm nhục xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Người phạm tội có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác dưới mọi hình thức.
Ví dụ: Đưa lên trang mạng Internet hình ảnh riêng tư mang tính bêu riếu, làm nhục người khác hoặc có hành động ghen tuông, đã lột hết quần áo của người khác ở nơi đông người nhằm làm nhục họ …
Chỉ coi là phạm tội khi các cơ quan Tư pháp dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như hành vi cụ thể, tác động xã hội, đạo đức xã hội, phản ứng của dư luận … đưa ra đánh giá hành vi đó đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự người khác.
Lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp, mong muốn hạ thấp nhân phẩm danh dự người khác.
Lưu ý: điểm e khoản 2 “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”, trong điều kiện nay, hành vi phạm tội thông qua mạng máy tính, phương tiện điện tử có thể loan truyền nhanh và diện rộng lớn gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhân phẩm, danh dự … của người khác. Thực tiễn cho thấy, nhiều người do bị làm nhục mà dẫn đến trầm cảm, suy sụp về tinh thần, gây rối loạn hành vi của nạn nhân như quy định tại điểm g khoản 2 “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.” hoặc ở mức độ nặng hơn như quy định tại điểm a khoản 3 “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” hay điểm b khoản 3 “Làm nạn nhân tự sát”.