Điều 27 Luật Quốc tịch quy định:

1. Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam.

2. Người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;

b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;

d) Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;

đ) Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.

3. Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

4. Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam.

5. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam.

Trường hợp một người cùng lúc mang 2 quốc tịch (cả Việt Nam và nước ngoài), vì lý do nào đó mà xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng KHÔNG được thôi quốc tịch Việt Nam khi đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam hoặc có chứng cứ chứng minh việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.  

Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Như vậy, trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trường hợp một người không xin được thôi quốc tịch Việt Nam khiến cho cùng lúc mang 2 quốc tịch (cả Việt Nam và nước ngoài) vẫn được coi là công dân Việt Nam. Họ sinh sống, làm việc và có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam như đối với công dân Việt Nam.     

Điều 37 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.”

Như vậy, trục xuất là hình phạt được Tòa án áp dụng cho người phạm tội là người nước ngoài; Nếu một người vừa mang quốc tịch nước ngoài vừa mang quốc tịch Việt Nam mà phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ vẫn bị Tòa án Việt Nam xét xử, áp dụng hình phạt và thi hành án theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam như đối với công dân Việt Nam.

Điều 32 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 quy định:

1. Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

2. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể:

a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án;

b) Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Điều 35 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 quy định:

1. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam;

b) Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;

c) Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam;

d) Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị;

đ) Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này.

2. Ngoài những trường hợp từ chối dẫn độ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam;

b) Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

3. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước yêu cầu dẫn độ.

Như vậy, người bị yêu cầu dẫn độ cùng lúc mang 2 quốc tịch (cả Việt Nam và nước ngoài), mà người này xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng KHÔNG được thôi quốc tịch Việt Nam, đồng thời, họ vẫn đang sinh sống, làm việc và có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam, thì họ vẫn được pháp luật Việt Nam công nhận là công dân Việt Nam, họ  thực hiện hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ vẫn được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam như đối với công dân Việt Nam. Do đó, họ được coi là người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam, Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có quyền từ chối yêu cầu dẫn độ của nước ngoài. Họ vẫn bị Tòa án Việt Nam xét xử, tuyên án, áp dụng hình phạt, thi hành án tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 76 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:

Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có Bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam.